Ngày 11 tháng 11 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Liên quan đến chi phí kiểm toán độc lập và chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành có quy định như sau:
Chi phí kiểm toán độc lập, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán là chi phí thuộc nội dung chi phí khác trong tổng mức đầu tư được duyệt (hoặc điều chỉnh) của dự án, giá trị quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.
Chi phí (dự toán gói thầu, giá gói thầu) kiểm toán độc lập của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập là chi phí tối đa, được xác định trên cơ sở giá trị cần thuê kiểm toán của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập nhân (x) với tỷ lệ định mức được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP và cộng với thuế giá trị gia tăng. Chi phí kiểm toán độc lập tối thiểu là một triệu đồng và cộng với thuế giá trị gia tăng.
Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập hoàn thành là chi phí tối đa, được xác định trên cơ sở giá trị quyết toán do chủ đầu tư đề nghị phê duyệt của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập hoàn thành nhân (x) với tỷ lệ định mức được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP. Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán tối thiểu là năm trăm nghìn đồng.
Theo đó, có bảng so sánh như sau:
Nội dung
|
|
Thông tư 10/2020/TT-BTC
|
Nghị định số 99/2021/NĐ-CP
|
Thời điểm áp dụng
|
Đối với hồ sơ quyết toán nộp cho cơ quan thẩm tra trước ngày 01/01/2022
|
Bắt đầu đối với hồ sơ quyết toán nộp cho cơ quan thẩm tra từ ngày 01/01/2022
|
Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán
|
Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập hoàn thành được xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt hoặc tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án sau khi loại trừ chi phí dự phòng (gọi chung là Tổng mức đầu tư của dự án sau loại trừ) nhân với tỷ lệ định mức được xác định hoặc nội suy theo quy định.
|
Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập hoàn thành là chi phí tối đa, được xác định theo giá trị quyết toán do chủ đầu tư đề nghị phê duyệt của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập hoàn thành nhân (x) với tỷ lệ định mức được xác định hoặc nội suy theo quy định tại điểm a, c, khoản 1 Điều 46, Nghị định 99/2021/NĐ-CP.
|
Chi phí kiểm toán độc lập
|
Được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư được duyệt hoặc tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án sau khi loại trừ chi phí dự phòng (sau đây gọi chung là Tổng mức đầu tư của dự án sau loại trừ)
|
Chi phí (dự toán gói thầu, giá gói thầu) kiểm toán độc lập của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập là chi phí tối đa, được xác định theo giá trị cần thuê kiểm toán của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập nhân (x) với tỷ lệ định mức được xác định hoặc nội suy theo quy định tại điểm a, b, khoản 1 Điều 46, Nghị định 99/2021/NĐ-CP và cộng với thuế giá trị gia tăng.
|
Như vậy, việc xác định chi phí kiểm toán độc lập và chi phí thẩm tra quyết toán đã thay đổi cơ bản là dựa trên giá trị thực tế thực hiện chứ không dựa trên tổng mức đầu tư hoặc dự toán được phê duyệt như trước đây. Để triển khai xác định chi phí kiểm toán độc lập và chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án có thể thực hiện như sau:
1. Ở giai đoạn lập tổng mức đầu tư của dự án, lúc này chưa có giá trị thực hiện, giá trị dự toán cần thuê kiểm toán độc lập có thể tạm xác định theo tổng mức đầu tư dự án được duyệt sau khi loại trừ chi phí dự phòng của dự án. Tương tự đối với chi phí thẩm tra quyết toán, do chưa xác định được giá trị quyết toán nên có thể tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt sau loại trừ của dự án.
2. Ở giai đoạn thực hiện, thanh toán, quyết toán dự án, chủ đầu tư có thể xác định đúng đắn giá trị cần thuê kiểm toán độc lập (tổng chi phí quyết toán của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập) và áp dụng bảng tra định mức chi phí kiểm toán để xác định tỷ lệ định mức và giá trị chi phí kiểm toán. Tương tự đối với chi phí thẩm tra quyết toán, chủ đầu tư có thể xác định đúng đắn giá trị quyết toán (giá trị đề nghị trong báo cáo quyết toán vốn đầu tư) và áp dụng bảng tra định mức chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán để xác định tỷ lệ định mức và giá trị chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Như vậy, cần lưu ý rằng, không áp dụng lại định mức chi phí kiểm toán độc lập, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã xác định trong giai đoạn lập tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án khi lập chi phí đề nghị phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành phải xác định lại định mức chi phí kiểm toán độc lập (nếu có) theo giá trị đã thuê kiểm toán, chi phí thẩm tra quyết toán theo giá trị quyết toán đề nghị phê duyệt của dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập.
Ngoài ra, một số nội dung khác vẫn quy định như trước đây tại Thông tư 10/2020/TT-BTC như: Chi phí thiết bị chiếm tỷ trọng ≥ 50% trong giá trị cần thuê kiểm toán độc lập hoặc giá trị quyết toán do chủ đầu tư lập thì chi phí kiểm toán độc lập, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán được xác định bằng 70% mức tính theo quy định; Chi phí kiểm toán độc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán đối với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định bằng 50% mức tính theo quy định; Dự án, dự án thành phần, tiểu dự án, công trình, hạng mục công trình độc lập đã được nhà thầu kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán hoặc cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra thực hiện kiểm toán, thanh tra đầy đủ các nội dung theo quy định thì chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán được xác định bằng 50% mức tính theo quy định.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh