Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử đảm bảo thông suốt và đồng bộ, đã nâng cấp và triển khai đến cấp chuyên viên tại tất cả các Vụ/Cục/đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ. Hoàn thành tích hợp chữ ký số cá nhân ký số văn bản điện tử trên phần mềm eDocTC và hiện nay đang triển khai thí điểm tại 01 đơn vị thuộc Bộ (Cục Tin học và Thống kê tài chính).
Từ tháng 10/2021, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện giám sát từ xa công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Quang Minh.
Đến nay, sau 05 năm khai thác sử dụng, số lượng văn bản điện tử (thống kê số liệu từ tháng 12/2015 đến 10/12/2021) được lưu trữ, quản lý trên chương trình eDocTC là 2.548.950 văn bản (2.007.514 văn bản đến; 243.685 văn bản đi; 276.307 tờ trình Bộ; 19.261 tờ trình đơn vị; 2.183 các loại văn bản nội bộ khác), trung bình số lượng văn bản được lưu trữ, quản lý trên chương trình eDocTC 424.825 văn bản/năm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai vận hành thử nghiệm lần 1 chương trình eDocTC2 từ ngày 16/11/2021 hệ thống eDocTC.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, giải pháp kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính với Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ Tài chính đã gửi 11.736 văn bản đi điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nhận được 40.364 văn bản đến điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (số liệu thống kê từ ngày 01/01/2021 đến 08/12/2021).
Theo Bộ Tài chính, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 896 thủ tục. Tính đến ngày 09/12/2021, 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó số DVCTT mức độ 1 là 94 (tỷ lệ 10,39%); số DVCTT mức độ 2 là 269 (tỷ lệ 30,05%); số DVCTT mức độ 3 là 81 (tỷ lệ 9,05%); số DVCTT mức độ 4 là 452 (tỷ lệ 50,51%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 533 (tỷ lệ 59,55%).
Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp DVCTT là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 346/533 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 64,92% (vượt hơn 30% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ).
Trong đó, Tổng cục Thuế 150 DVCTT, Tổng cục Hải quan 72 DVCTT, Kho bạc Nhà nước 07 DVCTT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 36 DVCTT, Cơ quan Bộ Tài chính 56 DVCTT. DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Vì vậy, các DVCTT của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1607/QĐ-BTC ngày 23/8/2021 về Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hoàn thành cung cấp dữ liệu 15/15 chỉ tiêu trong một số lĩnh vực chính như: thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi NSNN, dư nợ Chính phủ, dự nợ nước ngoài, dư nợ công so với GDP, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, tỷ lệ nợ đọng thế, số giờ nộp thuế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn NSNN… báo cáo lên Chính phủ theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Chính phủ về Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các chỉ tiêu điều hành hằng ngày theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 4699/VPCP-KSTT ngày 12/6/2020 của Văn phòng Chính phủ như: thu NSNN và cơ cấu thu, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu và cán cân thương mại, chỉ tiêu thu về thuế (theo sắc thuế, theo khu vực nộp thuế), thông tin về chứng khoán, …
Đồng thời, Bộ Tài chính đã rà soát đề xuất danh mục chế độ báo cáo định kỳ điện tử hóa bao gồm 93 chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính. Trong tháng 12/2021, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ban hành danh mục 137 chế độ báo cáo định kỳ đề xuất điện tử hóa trong năm 2021-2022 để triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính. Theo đó, tổng số chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính đang triển khai điện tử hóa và đề xuất triển khai điện tử hóa trong giai đoạn 2021-2022 là 230 chế độ báo cáo đạt tỷ lệ 79,31%, vượt hơn 20% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ.
Kết quả hiện đại hóa lĩnh vực thuế
Theo Bộ Tài chính, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Đến ngày 19/11/2021, đã có 849.037 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ 99,93%). Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 16.457.222 hồ sơ.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến ngày 19/11/2021, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 844.147 doanh nghiệp trên tổng số 853.511 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,35%.
Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 841.783 doanh nghiệp trên tổng số 853.511 doanh nghiệp đang hoạt động (đạt 98,6%). Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 19/11/2021, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 2.980.959 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 678.659 tỷ đồng và 40.356.595 USD.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, tính từ ngày 01/01/2021 đến 19/11/2021, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 8.856 trên tổng số 9.075 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 97,59%. Số hồ sơ tiếp nhận là 23.338 hồ sơ trên tổng số 23.649 hồ sơ đạt tỷ lệ 98,68%; Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 16.927 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 121.127 tỷ đồng.
Đồng thời, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai Đề án hóa đơn điện tử, từ 01/01/2021 đến 19/11/2021, có 204.067 hóa đơn đã được cấp mã với tổng doanh thu là hơn 22.121 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 1.943 tỷ đồng.
Triển khai hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC: Tính đến ngày 18/11/2021, có 621.790 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC trên phạm vi cả nước.
Triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC: Ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức kích hoạt triển khai hệ thống HĐĐT cho 6 tỉnh/thành phố TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Hải Phòng.
Đối với việc hỗ trợ khai thuế, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà: Tổng cục Thuế đã triển khai tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc, đến nay đã có 480.184 tài khoản đăng ký, số tờ khai đã gửi từ ngày 01/01/2021 đến 19/11/2021 là 128.186 tờ khai.
Triển khai dịch vụ hỗ trợ khai, nộp lệ phí trước bạ (LPTB) điện tử ô tô, xe máy: Từ ngày 30/6/2020, Tổng cục Thuế đã triển khai đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dịch vụ khai điện tử lệ phí trước bạ và đến nay đã triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Từ ngày 01/01/2021 đến 19/11/2021, số lượng tờ khai điện tử tại Cục Thuế TP. Hà Nội là 29.234 hồ sơ chiếm 10,95% trên tổng số hồ sơ; tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh 26.426 hồ sơ chiếm 9,45% trên tổng số 279.553 hồ sơ. Hiện Tổng cục Thuế đã kết nối với 07 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp điện tử lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking. Tính từ ngày 01/01/2021 đến 19/11/2021 đã có 159.650 giao dịch nộp LPTB ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức ibanking và mobile banking chiếm 5,99% trên tổng số 3.107.371 giao dịch LPTB ô tô, xe máy cả nước.
235 TTHC của 13 bộ, ngành triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia
Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thành triển khai các TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2021. Tính đến ngày 30/11/2021, có 235 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với gần 4,5 triệu hồ sơ của 51 nghìn doanh nghiệp tham gia (từ ngày 01/01/2021 đến 30/11/2021, số TTHC mới được chính thức triển khai là 28 thủ tục, số hồ sơ được xử lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia là trên 642.882 với khoảng 7.171 doanh nghiệp tham gia).
Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin. Tính đến ngày 30/11/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 453.098 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.121.526 C/O (từ ngày 01/01/2021 đến 30/11/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là trên 217.500 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 805.053C/O).
Năm 2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan.
Hệ thống DVCTT mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định
Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết đã tích triển khai hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản Nhà nước hướng đến mục tiêu của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước là xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số với 3 không “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”.
Hiện nay, hệ thống DVCTT mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN (trừ các đơn vị thuộc khối An ninh, Quốc phòng, các Tổ chức và Hội nghề nghiệp), với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS. Đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.
Từ tháng 10/2021, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện giám sát từ xa công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể là giám sát việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến đảm bảo không muộn hơn 8 giờ làm việc theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ; giám sát hồ sơ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến bị trả lại nhiều lần; giám sát hồ sơ quá hạn xử lý theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ.
Nguồn: mof.gov.vn