Đặt vấn đề
Phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cho các lĩnh vực sự nghiệp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, định hướng đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và các quy định của pháp luật về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công.
Về định hướng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2021, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như: y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (Điểm 2.2 Mục II).
Đồng thời, tại Điểm 6 Mục III, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu; đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ.
Trên cơ sở chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trong thời gian qua, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định:
Một là, lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đến năm 2021 phải cơ bản hoàn thành (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác) theo quy định của pháp luật về giá.
Hai là, trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính .
Ba là, dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.
Lập, phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên NSNN từ năm 2022
Dự toán chi thường xuyên NSNN giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với các đơn vị SNCL thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước, quy định của pháp luật khác có liên quan, các Điều 22, 23 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Điều 12, 16, 32, 33 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.
Thứ nhất, về lập dự toán
Hàng năm căn cứ danh mục sản phẩm, dịch vụ công chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá, giá dịch vụ, dự toán năm trước liền kề (trường hợp được giao nhiệm vụ, đặt hàng), đấu thầu năm liền kề trước (trường hợp đấu thầu) và dự kiến biến động các yếu tố chi phí đầu vào; theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; các đơn vị dự toán các cấp lập dự toán nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cùng thời điểm lập dự toán ngân sách và tổng hợp trong dự toán ngân sách của đơn vị, gửi cơ quan quản lý cấp trên theo quy định, cụ thể:
(1) Các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên: căn cứ đơn giá, số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công được đặt hàng của cơ quan có thẩm quyền để lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên theo quy định;
(2) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ của năm kế hoạch, lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán thu, chi (bao gồm cả phần ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ sự nghiệp công), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.
Cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp dự toán gửi cơ quan tài chính cùng cấp và các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Thứ hai, phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên
Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định nêu trên, quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có) và trong phạm vi dự toán chi NSNN được cấp có thẩm quyền giao, UBND các cấp hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp (được ủy quyền) phân bổ và giao dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN cho các đơn vị; đồng thời, quyết định đặt hàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chi tiết theo từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công, theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền ban hành, kinh phí và các nội dung quy định khác. Kinh phí thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được phân bổ, giao dự toán trong phần kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ của đơn vị SNCL.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN hoặc đã được cấp có thẩm quyền ban hành nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được phê duyệt; các cấp theo phân cấp phân bổ, giao dự toán nhiệm vụ và kinh phí cho đơn vị theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán như kinh phí nhiệm vụ chi không thường xuyên.
Về tổ chức thực hiện
Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao; quyết định đặt hàng của cơ quan cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công lập; đơn giá, giá đặt hàng; biên bản nghiệm thu sản phẩm theo quy định của cấp có thẩm quyền; biên bản nghiệm thu đặt hàng theo từng năm; tài liệu khác có liên quan (nếu có), các đơn vị sự nghiệp công lập tạm ứng, thanh toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành. Cơ quan quản lý cấp trên đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quản lý, giám sát và kiểm tra (định kỳ, đột xuất) để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị đúng khối lượng, chất lượng, quy cách, định mức, tiêu chuẩn và thời gian thực hiện. Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát chi và thanh toán kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện; hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
TRỊNH THỊ NGỌC LÊ